Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Quảng Nam xây dựng đề án bảo tồn voọc chân xám

Trên thế giới hiện nay, loài voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống tại 5 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Vì vậy, việc bảo tồn loài linh trưởng này đang được cả thế giới quan tâm.

Tình hình Vooc chà vá chân xám

Do tác động của cộng đồng địa phương tại đây như xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất (lấy đất trồng rừng) nên sinh cảnh sống của loài này bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến số lượng cá thể trong các quần thể voọc chà vá chân xám.

Qua khảo sát và đánh giá, hiện nay đàn voọc này có khoảng 16 - 20 cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng hơn 5ha và đang chịu áp lực tác động rất lớn.

Ông Từ Văn Khánh – Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam chia sẻ, quan điểm đầu tiên của tỉnh là di dời đàn voọc bởi sự cô lập và rừng nghèo ảnh hưởng đến sự sinh tồn của đàn. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của nhiều đơn vị, tỉnh quyết định bảo tồn tại chỗ và đề ra nhiều giải pháp.

“Thời gian qua, huyện Núi Thành đã thành lập các tổ bảo vệ liên ngành thường xuyên giám sát, bảo vệ đàn voọc. Chính quyền địa phương và tỉnh cũng đã lên kế hoạch mở rộng sinh cảnh, phục hồi rừng mà chủ yếu những cây là thức ăn của voọc, hướng đến kết nối với rừng Phú Ninh.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân tại địa phương sẽ được đẩy mạnh để hạn chết tình trạng săn bắn, đặc biệt là tham gia bảo vệ voọc trước những đối tượng ngoại tỉnh” – ông Khánh cho hay.

Cơ hội bảo vệ đàn Vooc chà vá chân xám

Tham dự buổi làm việc, ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh, đơn vị tư vấn dự án bảo tồn voọc chân xám cho biết, theo nghiên cứu, cơ hội bảo tồn voọc chân xám ở Núi Thành rất cao.

“Hai gia đình voọc tại Núi Thành hiện nay đang rất dễ dàng tiếp cận. Nếu được kiểm đếm cụ thể, nghiên cứu cả động thực vật của vùng, vận động người dân cùng bảo vệ thì địa phương có thể phát triển du lịch sinh thái trong tương lai” – ông Vỹ chia sẻ.

Trên thế giới, voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở 5 tỉnh thành của Việt Nam.

Ông Bùi Văn Tuấn – chuyên gia về linh trưởng chia sẻ: “Voọc chân xám sống trong khu vực khoảng 80 đến 90 ha. Vì vậy, phương án mở rộng xung quanh, từ 10 ha rừng nghèo tăng lên 30 ha để đảm bảo cho đàn voọc hiện tại có điều kiện sống tốt hơn, có thể sinh sản và tăng số lượng đàn lên là tốt nhất. Cũng cần có những nghiên cứu rất cụ thể về tập tính của loài tại vùng này để có phương án bảo vệ và cần làm sớm, tránh để diệt vong thêm cá thể nào”.
Theo Báo Mới

0 nhận xét:

Đăng nhận xét