Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà

Đảo Cát Bà, còn được gọi là “Hòn Ngọc của Vịnh Bắc Bộ”, là một đảo đá vôi ở Thành phố Hải Phòng, nằm tiếp giáp với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đây là nơi tập trung nhiều dạng địa hình đặc biệt - những vách núi cao dựng đứng, những thung lũng sâu và hẹp, những dãy núi sắc cạnh, những thảm thực vật rậm rạp, sự phong phú đa dạng các loài sinh vật, và đồng thời là ngôi nhà của một trong những loài linh trưởng hiếm nhất trên thế giới - loài Voọc Cát Bà.

Cát Bà cũng là hệ sinh thái đảo đá vôi lớn nhất ở châu Á và sự kết hợp độc nhất vô nhị nhiều loài sinh vật. Bởi vậy, vẻ đẹp tự nhiên nơi đây khiến nó trở thành một địa điểm đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả thế giới. Để công nhận vẻ đẹp tự nhiên đặc biệt và tầm quan trọng của việc giữ gìn đa dạng sinh học và cảnh quan nơi đây, phần lớn diện tích của đảo đã được dành cho việc thành lập Vườn Quốc gia năm 1986 và hiện đang được xem xét đề cử thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Từ khi thành lập Vườn Quốc gia đến nay, hiểu biết về hòn đảo này và vùng biển xung quanh nó ngày càng tăng lên, với mỗi thông tin có được đều nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc phải giữ gìn và bảo tồn toàn bộ vùng biển đảo này. Có những loài động thực vật không có ở nơi nào khác trên thế giới, có những vạt rừng nhiệt đới ở những vùng đất ngập nước mà hầu như không còn ở nơi nào khác ở cả Việt Nam, có nhiều hồ nước mặn được bao quanh bởi núi dá vôi hơn bất kỳ vùng đất nào trên toàn thế giới, Cát Bà còn là một trong số ít những nơi trên thế giới mà chúng ta có thể quan sát được toàn bộ quá trình địa chất chuyển tiếp từ môi trường địa hình núi đá vôi karst trưởng thành trên đất liền sang môi trường này trên biển.

Những điểm đặc biệt đó về đảo Cát Bà đã thu hút nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và bảo tồn từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, vẻ đẹp tự nhiên đặc biệt cũng hấp dẫn số lượng lớn khách du lịch, cả trong nước và quốc tế, và cả những dự án phát triển phục vụ ngành công nghiệp không khói này. Sự tăng trưởng của ngành du lịch, xây dựng và các dự án phát triển trên đảo đã mang lại những nguồn lợi kinh tế cần thiết, song cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn trong việc bảo vệ và bảo tồn chính những giá trị cốt lõi khiến đảo Cát Bà trở nên nổi tiếng như vậy.

Có lẽ trường hợp bảo tồn Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus), một loài khỉ đuôi dài vô cùng linh hoạt và là loài đặc hữu ở Cát Bà, là ví dụ mà chúng ta thấy rõ hai thái cực này nhất. Loài động vật đáng yêu này là loài linh trưởng nguy cấp thứ hai trên thế giới và là loài nguy cấp nhất ở Việt Nam. Chúng có liên hệ gần gũi với loài Voọc Đầu trắng ở miền Nam Trung Quốc, tuy nhiên vẫn là một loài khác biệt và chỉ tồn tại ở một vài nơi trên đảo Cát Bà.
Trong những năm 1960, quần thể Voọc Cát Bà trên Đảo Cát Bà là khoảng từ 2500 đến 2700 cá thể. Những người dân địa phương cho biết khi đó họ có thể dễ dàng bắt gặp Voọc ở bất kỳ nơi nào trên đảo. Chúng thậm chí còn xuống đến tận vườn nhà hoặc vườn cây ăn trái để ăn trộm hoa quả. Khi đó, chúng đã bị săn bắt, song không nhiều vì thịt của chúng có mùi không dễ chịu. Những năm 1990 là thời gian mà Voọc Cát Bà bị săn bắt nhiều để nấu cao khi Cát Bà bắt đầu trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Quần thể Voọc Cát Bà suy giảm một cách thảm họa trong thời kỳ này. Năm 1999, quần thể Voọc Cát Bà rớt xuống chỉ còn hơn 100 cá thể.

Sự suy giảm nghiêm trọng này đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo. Bởi vậy, UBND TP. Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vườn Quốc gia Cát Bà và hai tổ chức từ CHLB Đức là ZGAP và Vườn thú Allwetter ở thành phố Munster đã thiết lập quan hệ đối tác để cùng nhau ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng cho loài Voọc Cát Bà. Cuối năm 2000, chỉ còn khoảng từ 40 đến 53 cá thể Voọc Cát Bà khi Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà được thành lập.

Năm 2003, chỉ có 40 cá thể voọc Cát Bà, song với sự ủng hộ của UBND TP. Hải Phòng, Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà đã phối hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia Cát Bà và người dân địa phương để ngăn chặn thành công nạn săn bắt voọc Cát Bà, đánh dấu thời điểm quần thể Voọc bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Mỗi bước đi của chương trình bảo tồn Voọc Cát Bà đều đánh dấu những nỗ lực không mệt mỏi, song với sự đồng lòng của các bên tham gia, nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được. Năm 2004, Khu Dự trữ Sinh quyển quần đảo Cát Bà đã được thành lập, năm 2006, ranh giới Vườn Quốc gia Cát Bà đã được mở rộng và các khu vực bảo vệ đặc biệt đã được thiết lập để dành riêng cho công tác bảo tồn Voọc Cát Bà. Năm 2012, cuộc di dời Voọc đầu tiên ngoài hoang dã đã thành công. Năm 2017, Kế hoạch Hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đã được Chính phủ thông qua.

Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà đã luôn nỗ lực để không chỉ bảo tồn loài Voọc Cát Bà mà còn toàn bộ đa dạng sinh học trên đảo. Dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho Vườn Quốc gia Cát Bà nhiều trang thiết bị, tổ chức các lớp tập huấn và cung cấp một phần tài chính cho các công việc của kiểm lâm, tổ chức các nhóm ngăn chặn nạn săn bắt và lấy trộm động thực vật hoang dã, duy trì chương trình giáo dục môi trường ở các trường trung học cơ sở trên đảo Cát Bà. Nhân viên Dự án thường xuyên và tích cực nghiên cứu, làm việc trên thực địa, theo dõi và giám sát quần thể Voọc.

Công tác bảo tồn Voọc Cát Bà là chỉ số cho công tác này ở Việt Nam bởi nhiều lý do. Đó là một loài linh trưởng, một thành viên trong nhóm động vật gần gũi nhất với con người, là loài linh trưởng hiếm nhất của Việt Nam, và cũng giống như loài Tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam trước đây, nó là chỉ số cho thấy hiện trạng công tác bảo tồn và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Để loài Voọc Cát Bà còn có tương lai, chúng cần phải được bảo vệ thích đáng và có một môi trường sống tốt trong hiện tại và tương lai.

Ở quần đảo Cát Bà, chúng ta có cơ hội để chứng minh với cộng đồng trong nước và quốc tế chúng ta thực sự hiểu điều gì khiến Việt Nam là một nơi đặc biệt và chúng ta đang thực hiện những cam kết rõ ràng đối với tương lai của đất nước và chúng ta có thể trở thành một mẫu hình đang nỗ lực làm việc vì tương lai lâu dài và bền vững bằng cách cân bằng giữa những nhu cầu về phát triển kinh tế và nhu cầu phải bảo vệ môi trường.

Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà cam kết thực hiện mục tiêu này và chúng tôi hiểu rằng đây cũng là mục tiêu chung của cả cộng đồng và các cấp chính quyền.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét