Bảo tồn vooc Sơn Trà

Chung tay bảo vệ Vooc tại Đà Nẵng

Cá thể Vooc tại Sơn Trà

Gia đình nhà Vooc

Cùng nhau bảo vệ Vooc tại Việt Nam

Chung tay bảo vệ Vooc tại Bán đảo Sơn Trà

Vooc Sơn Trà - Đà Nẵng

Bảo tồn Vooc - Trách nhiệm của mỗi người chúng ta

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Giới thiệu về hoạt động bảo tồn Vooc

Với mong muốn chung tay cùng cộng đồng bảo vệ loài Vooc trên cả nước, chúng tôi xây dựng website này để góp 1 phần công sức vào việc bảo tồn loài Vooc hiện nay. Đây là website phi lợi nhuận, các thông tin và tin tức, video về loại Vooc được sưu tầm và lấy từ những tổ chức, cá nhân trên cả nước

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Những cá thể Vooc cần được bảo tồn

Những cá thể Vooc cần được bảo tồn

Voọc Chà vá chân nâu Sơn Trà tưởng đâu đã bị tuyệt diệt trong chiến tranh, song vẫn có cả ngàn cá thể hiện sinh sống ở bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên loài linh trưởng đẹp nhất hành tinh này ngày nay lại đang phải đối phó với những mối nguy hiểm mới từ việc can thiệp của con người vào hệ sinh thái nơi đây./.

Video về sinh hoạt của loài Vooc

Vooc chà vá chân nâu

 Hình ảnh về những chú Vooc Phần 1


 Mẹ con nhà Vooc

Đại gia đình nhà Vooc








Bảo tồn Voọc chà vá chân nâu: Nguy hại từ phát triển du lịch không kiểm soát

Mối nguy hại với Sơn Trà và Voọc chà vá chân nâu không phải là du lịch mà là phát triển du lịch thiếu kiểm soát. Mỗi ngày, Sơn Trà đón hàng nghìn lượt khách du lịch, gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng và có thể thay đổi tập tính của Voọc. Khách du lịch mang theo thức ăn lên và để lại rác trên núi, đây là điều được cho là nguy hại lớn nhất với động vật hoang dã, thậm chí là dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cục bộ một khu rừng”, chị Lê Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) nói.


Tại sao Voọc chà vá chân nâu lại được xem là báu vật của Sơn Trà và trở thành hình ảnh đại diện cho đa dạng sinh học Đà Nẵng?
- Năm 2016, Voọc chà vá chân nâu đang được các nhà khoa học đề nghị đưa vào nhóm cực kỳ nguy cấp để có chính sách bảo vệ tốt hơn hiện tại (đang ở nhóm nguy cấp). Ý kiến này được đề xuất dựa trên rất nhiều yếu tố như số lượng cá thể Voọc chà vá chân nâu hiện còn rất ít. Khu vực phân bố của loài hạn chế, chỉ có ở Việt Nam, khu vực nam Lào, một số rất ít ở Campuchia nên khả năng bị tuyệt chủng cao.

Trong khi đó, Sơn Trà với 300 cá thể Voọc đang sinh sống, được xem là nơi duy nhất trên thế giới có điều kiện bảo tồn Voọc chà vá chân nâu bởi chúng ta có các lực lượng tuần tra, kiểm tra, người dân không có văn hóa săn bắt và sử dụng sản phẩm từ Voọc như ở các nơi khác. Như vậy, Sơn Trà đang giữ trong mình báu vật của thế giới chứ không phải của riêng Đà Nẵng hay Việt Nam.

Về hình ảnh đại diện cho đa dạng sinh học, Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng” linh trưởng bởi bộ lông ngũ sắc, có 98% ADN giống với con người, có cấu trúc gia đình, tập tính sinh hoạt gần giống với con người. Chính từ đó, chúng có những câu chuyện rất gần gũi để đưa đến cho người dân, thúc giục họ bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Mặt khác, Voọc chà vá chân nâu được xem là loài biểu thị cho vùng rừng nguyên sinh còn tốt. Tức là rừng Sơn Trà còn có thể phục hồi được. Vậy nên đây sẽ là hình ảnh tốt nhất để đại diện cho đa dạng sinh học của Đà Nẵng.

Nguy cơ bị “xóa sổ” của Voọc tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà hiện nay đang ở mức độ nào?
- Voọc ở Sơn Trà không bị săn bắt buôn bán, chúng bị đe dọa bởi Sơn Trà là một bán đảo cô lập, trong khi nơi đây đang bị áp lực bởi phát triển du lịch, phát triển kinh tế quá lớn. Các khu cơ sở hạ tầng mọc lên, mặc dù, việc phát triển này hoàn toàn chính đáng nhưng điều này sẽ làm thu hẹp diện tích sống của loài Voọc, khiến cho chúng hoặc phải thích nghi hoặc là tự tiêu diệt. Trong khi đó, đây không phải là loài có thể thích nghi cao như khỉ.

Theo chị, người dân Đà Nẵng và du khách đến TP đã hiểu đầy đủ về giá trị cũng như ý thức được việc bảo vệ loài đồng vật này chưa?

- Thực sự là chưa. Trước đây chúng ta đã từng có những nghiên cứu về loài động vật này trong nhiều năm, do các nhà khoa học, các tổ chức nước ngoài thực hiện, hình ảnh Voọc chà vá chân nâu cũng đã từng được tuyên truyền, tuy nhiên mức độ sâu rộng vẫn chưa có. Điều này khiến cho gần như mọi du khách đến Đà Nẵng đều không hề biết đến Voọc chà vá chân nâu.

Mới đây nhất trong cuộc khảo sát nhanh của trung tâm Green Việt khi thực hiện ở bảng nhà chờ xe buýt thì gần 90% người được hỏi đều không biết về Voọc trước khi xem hình ảnh trên các tấm pano.

Với khách du lịch nước ngoài, nhiều người đến từ Úc, Anh, Mỹ, họ biết về Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà và chọn Đà Nẵng để đến ngắm loài vật này. Còn lại với các khách du lịch khác kể cả trong và ngoài nước, họ gần như chỉ nhắm đến du lịch nghỉ dưỡng nên không biết về khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng như loài Voọc chà vá chân nâu.

Gần đây TP. Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ Voọc chà vá chân nâu, vậy những chương trình đó liệu đã đủ để mang lại hiệu quả hay chưa?

- Theo thông tin chúng tôi được biết, tháng 3 vừa qua Sở TNMT đã có văn bản kiến nghị UBND TP về việc tăng cường bảo vệ Voọc chà vá chân nâu. Sau các vụ việc xâm hại rừng 6 tháng đầu năm nay, UBND quận Sơn Trà cũng đã có những hành động siết chặt trong công tác quản lý. Cụ thể, các dự án giao khoán đất rừng cho người dân đang tạm dừng lại, 1.072ha được bàn giao lại cho quận Sơn Trà rà soát, kiểm tra rồi mới quyết định có giao lại cho những ai. Quận Sơn Trà cũng đã bắt đầu triển khai các hoạt động tuyên truyền, nhiều bảng thông tin được gắn ở các địa điểm du lịch, có các hoạt động tuần tra liên ngành.

Hiện đang có một đề xuất lập chốt thu vé với những người đi lên khu bảo tồn Sơn Trà. Làm như vậy chúng ta sẽ kiểm soát được lượng khách du lịch, phổ biến những quy định trên khu bảo tồn thiên nhiên được hay không được làm gì. Mối nguy hại với Sơn Trà và Voọc chà vá chân nâu không phải là du lịch mà là phát triển du lịch thiếu kiểm soát.

Có những ngày, Sơn Trà đón hàng nghìn lượt khách du lịch, số lượng đó quá lớn có thể gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng và có thể thay đổi tập tính của Voọc. Khách du lịch mang theo thức ăn lên và để lại rác trên núi, đây là điều được cho là nguy hại lớn nhất với động vật hoang dã. Bởi khi một con vật ăn thức ăn thừa, rác thải đó rồi nhiễm bệnh mà chết. Các con vật khác ăn xác của động vật kia cũng sẽ bị nhiễm bệnh và dẫn đến sự tuyệt chủng cục bộ cả một khu rừng. Nhiều người chưa nhận thức được điều này.

Tại Sơn Trà, hàng tháng Ban quản lý Sơn Trà tổ chức dọn rác tập thể với khoảng 100 - 200 người tham gia thì mỗi người có thể mang xuống 10kg rác thải không phân hủy được. Nói như vậy để thấy, để bảo vệ tốt loài này thì phải có sự phát triển đồng đều và song song giữa bảo tồn được Voọc và mục đích kinh tế.

Phát triển du lịch đang là ngành mũi nhọn của thành phố, vậy nhưng chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Một là biến Sơn Trà trở thành một khu vực bê tông hóa, thu lợi rất nhanh nhưng đổi lại là đánh mất đa dạng sinh học. Thứ hai là giữ lại khu vực đó một cách ổn định và thu hút du lịch theo hướng bền vững - phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên.

Còn với mỗi người dân Đà Nẵng và du khách, họ cần phải làm gì để chung tay trong việc này?

- Với những người dân Đà Nẵng và du khách yêu quý Đà Nẵng thì bước đầu tiên cần làm là tìm hiểu thông tin về Sơn Trà, chỉ khi mỗi người dân biết được trong tay chúng ta đang có những gì, giá trị như thế nào thì họ mới hiểu cần phải bảo vệ.

Chúng ta đang có một khu rừng trong phố, gần như là duy nhất trên thế giới. Từ tài sản đó chúng ta có thể phát triển du lịch, kinh tế bền vững. Ví dụ như xung quanh bán đảo Sơn Trà có thể phát triển du lịch homestay, chúng ta có thể hoàn toàn hưởng lợi từ tài nguyên của mình.

Khi người dân có kiến thức nhất định về những giá trị mà mình có thì họ cũng sẽ có tiếng nói và giúp cho những quyết sách của thành phố đi đúng hướng trong tương lai.
Theo Laodong.vn

Quảng Nam xây dựng đề án bảo tồn voọc chân xám

Trên thế giới hiện nay, loài voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống tại 5 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Vì vậy, việc bảo tồn loài linh trưởng này đang được cả thế giới quan tâm.

Tình hình Vooc chà vá chân xám

Do tác động của cộng đồng địa phương tại đây như xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất (lấy đất trồng rừng) nên sinh cảnh sống của loài này bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến số lượng cá thể trong các quần thể voọc chà vá chân xám.

Qua khảo sát và đánh giá, hiện nay đàn voọc này có khoảng 16 - 20 cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng hơn 5ha và đang chịu áp lực tác động rất lớn.

Ông Từ Văn Khánh – Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam chia sẻ, quan điểm đầu tiên của tỉnh là di dời đàn voọc bởi sự cô lập và rừng nghèo ảnh hưởng đến sự sinh tồn của đàn. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của nhiều đơn vị, tỉnh quyết định bảo tồn tại chỗ và đề ra nhiều giải pháp.

“Thời gian qua, huyện Núi Thành đã thành lập các tổ bảo vệ liên ngành thường xuyên giám sát, bảo vệ đàn voọc. Chính quyền địa phương và tỉnh cũng đã lên kế hoạch mở rộng sinh cảnh, phục hồi rừng mà chủ yếu những cây là thức ăn của voọc, hướng đến kết nối với rừng Phú Ninh.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân tại địa phương sẽ được đẩy mạnh để hạn chết tình trạng săn bắn, đặc biệt là tham gia bảo vệ voọc trước những đối tượng ngoại tỉnh” – ông Khánh cho hay.

Cơ hội bảo vệ đàn Vooc chà vá chân xám

Tham dự buổi làm việc, ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh, đơn vị tư vấn dự án bảo tồn voọc chân xám cho biết, theo nghiên cứu, cơ hội bảo tồn voọc chân xám ở Núi Thành rất cao.

“Hai gia đình voọc tại Núi Thành hiện nay đang rất dễ dàng tiếp cận. Nếu được kiểm đếm cụ thể, nghiên cứu cả động thực vật của vùng, vận động người dân cùng bảo vệ thì địa phương có thể phát triển du lịch sinh thái trong tương lai” – ông Vỹ chia sẻ.

Trên thế giới, voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở 5 tỉnh thành của Việt Nam.

Ông Bùi Văn Tuấn – chuyên gia về linh trưởng chia sẻ: “Voọc chân xám sống trong khu vực khoảng 80 đến 90 ha. Vì vậy, phương án mở rộng xung quanh, từ 10 ha rừng nghèo tăng lên 30 ha để đảm bảo cho đàn voọc hiện tại có điều kiện sống tốt hơn, có thể sinh sản và tăng số lượng đàn lên là tốt nhất. Cũng cần có những nghiên cứu rất cụ thể về tập tính của loài tại vùng này để có phương án bảo vệ và cần làm sớm, tránh để diệt vong thêm cá thể nào”.
Theo Báo Mới

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Voọc mông trắng trước nguy cơ tuyệt chủng

Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế, đã phát hiện quần thể voọc mông trắng tại rừng trên núi đá vôi huyện Kim Bảng (Hà Nam). Đây là 1 trong 25 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ và cần được chung tay bảo vệ.

Phát hiện 40 cá thể Voọc mông trắng

Nhiều lần đi rừng, người dân huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã phát hiện ra đàn linh trưởng thường xuyên xuất hiện tại khu vực rừng trên núi đá vôi thuộc các xã Thanh Sơn, Liên Sơn và thị trấn Ba Sao. Việc phát hiện đó đã thu hút sự quan tâm của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI).

Năm 2016, tổ chức FFI đã về Hà Nam tìm hiểu, nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học tại rừng Kim Bảng. Sau nhiều tháng ăn ngủ tại các cánh rừng, FFI và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã phát hiện nhiều loài động, thực vật quý hiếm như khỉ mốc, diệc núi, chim hồng hoàng, sóc bụng đỏ, chim mào vàng, chim hút mật họng tím và đặc biệt đã phát hiện ra 7 đàn voọc mông trắng với tổng số 40 cá thể.

Theo các chuyên gia FFI, rừng Thanh Sơn mang đặc trưng của rừng núi đá, có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng không thua kém bất kỳ khu rừng tự nhiên nào. Đặc biệt, tại đây có các hang động lớn là điều kiện thuận lợi để Voọc mông trắng sinh sống.

Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Voọc mông trắng là loài động vật hoang dã di chuyển ước tính 30 km/ngày. Cự ly di chuyển phụ thuộc nhiều vào vị trí ngủ, lượng thức ăn của khu vực, giới tính, tuổi của Voọc và điều kiện thời tiết.

Việc di chuyển từ chỗ ngủ đến chỗ kiếm ăn của Voọc mông trắng không liên tục mà vừa di chuyển, nghỉ ngơi và quan sát xung quanh để kiểm tra an toàn. Chính vì vậy, rất khó có thể tiếp cận loài voọc này.

Theo ông Trịnh Đình Hoàng, Cố vấn kỹ thuật về Đa dạng sinh học của FFI tại Việt Nam - việc phát hiện Voọc mông trắng ở khu vực núi đá của tỉnh Hà Nam là một tin tốt đối với việc bảo tồn loài Voọc quý hiếm này. Chúng tôi đã ghi nhận được các đàn Voọc mông trắng có con nhỏ. Điều này có nghĩa, các đàn này vẫn có khả năng sinh sản và nếu được bảo vệ tốt, quần thể voọc có thể phục hồi và phát triển.

Cũng theo ông Hoàng, hiện nay, ngoài khu vực vùng núi của huyện Kim Bảng (Hà Nam), ghi nhận có 7 đàn Voọc mông trắng với tổng số 40 cá thể, thì chỉ có khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) ghi nhận có loài Voọc này.

Một báo cáo của FFI thể hiện, trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có khoảng 200 cá thể Voọc mông trắng, trong đó tập trung lớn nhất tại khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình) với số lượng 120 con. Loài linh trưởng này sống chủ yếu ở rừng cây gỗ trên núi đá vôi.

Tuy nhiên, do sự chia cắt địa hình nên voọc mông trắng sống cả trong sinh cảnh rừng nghèo, thậm chí chỉ có dây leo bụi rậm. Thức ăn chủ yếu của chúng là chồi, lá và quả. Vùng hoạt động kiếm ăn của voọc mông trắng tương đối rộng, cả trên núi đất lẫn núi đá. Phạm vi sống của mỗi đàn từ 20 - 50ha.

Vẫn nguyên nguy cơ tuyệt chủng

Mặc dù phát hiện thêm khoảng 40 cá thể Voọc mông trắng tại Hà Nam, nhưng theo FFI, tình trạng săn bắn của nhóm thợ săn (khoảng 10 người tại huyện Kim Bảng (Hà Nam) và Lạc Thủy (Hòa Bình) là nguyên nhân chính khiến Voọc mông trắng có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Các thợ săn này hiểu rõ về khu rừng và hoạt động của Voọc mông trắng. Họ biết cả số lượng và phân bố của các đàn Voọc mông trắng trong rừng, thậm chí còn biết cả tập tính, chu kỳ kiếm ăn tại các khu vực và điểm ngủ của chúng.

Đặc biệt, những thợ săn này rất giỏi trong việc tiếp cận Voọc mông trắng, nhất là các hang, vách ngủ của loài linh trưởng này. Mới đây nhất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam đã thu hồi một khẩu súng hơi của đối tượng có ý định săn bắt Voọc mông trắng tại khu vực chúng đang sinh sống.

Vì thế, việc khoanh vùng các thợ săn và tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật quý hiếm là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn suy giảm diện tích rừng hay diện tích sinh cảnh, nhất là nạn khai thác đá, xâm lấn để trồng trọt và chăn nuôi cũng khá quan trọng.

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, chỉ tính trên địa bàn xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng, Hà Nam), đã có 7 doanh nghiệp khai thác đá hoạt động và ngày càng tiến sâu hơn vào vùng lõi của rừng, làm tăng sự đe dọa đối với loài Voọc mông trắng.

Cùng với đó, việc quy hoạch diện tích rừng cho khai thác đá khoảng 400ha (dự kiến cho dây chuyền 3 của nhà máy xi măng Xuân Thành) nằm ở vị trí trung tâm khu rừng, nơi sinh sống của đàn Voọc cũng là mối nguy hại không nhỏ đến sự tồn vong của loài linh trưởng này.

Ông Vũ Văn Cần, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam - thừa nhận: Hiện tại quần thể Voọc mông trắng của Hà Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc săn bắt của con người và suy giảm sinh cảnh do khai thác đá. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh sớm xây dựng đề án khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ loài linh trưởng đặc biệt này.

Cùng quan điểm trên, tổ chức Động vật Linh trưởng Quốc tế khuyến cáo - Voọc mông trắng đặc hữu tại Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng rất cao và là một trong 5 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Loài voọc này bị đẩy tới bờ vực thẳm là do hoạt động săn bắn lấy các bộ phận của chúng làm thuốc và nạn khai thác tài nguyên núi, rừng bừa bãi.

Quy hoạch để bảo vệ vooc

Được biết, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam đã có công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh tham mưu, kiến nghị, trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, xem xét về quy hoạch khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng thuộc các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ của tỉnh, di chuyển khu mỏ đá dự kiến phục vụ dây chuyền 3 của nhà máy xi măng Xuân Thành đang thăm dò sang vị trí khác, đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm phối hợp với Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh như Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình trong công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền vận động nhân dân không săn bắt các loài động vật hoang dã, chặt phá rừng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phối hợp với tổ chức Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế, xây dựng đề án “Xây dựng khu bảo tồn Voọc mông trắng Hà Nam” với diện tích gần 50hecta...

Theo Baomoi

Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà

Đảo Cát Bà, còn được gọi là “Hòn Ngọc của Vịnh Bắc Bộ”, là một đảo đá vôi ở Thành phố Hải Phòng, nằm tiếp giáp với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đây là nơi tập trung nhiều dạng địa hình đặc biệt - những vách núi cao dựng đứng, những thung lũng sâu và hẹp, những dãy núi sắc cạnh, những thảm thực vật rậm rạp, sự phong phú đa dạng các loài sinh vật, và đồng thời là ngôi nhà của một trong những loài linh trưởng hiếm nhất trên thế giới - loài Voọc Cát Bà.

Cát Bà cũng là hệ sinh thái đảo đá vôi lớn nhất ở châu Á và sự kết hợp độc nhất vô nhị nhiều loài sinh vật. Bởi vậy, vẻ đẹp tự nhiên nơi đây khiến nó trở thành một địa điểm đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả thế giới. Để công nhận vẻ đẹp tự nhiên đặc biệt và tầm quan trọng của việc giữ gìn đa dạng sinh học và cảnh quan nơi đây, phần lớn diện tích của đảo đã được dành cho việc thành lập Vườn Quốc gia năm 1986 và hiện đang được xem xét đề cử thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Từ khi thành lập Vườn Quốc gia đến nay, hiểu biết về hòn đảo này và vùng biển xung quanh nó ngày càng tăng lên, với mỗi thông tin có được đều nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc phải giữ gìn và bảo tồn toàn bộ vùng biển đảo này. Có những loài động thực vật không có ở nơi nào khác trên thế giới, có những vạt rừng nhiệt đới ở những vùng đất ngập nước mà hầu như không còn ở nơi nào khác ở cả Việt Nam, có nhiều hồ nước mặn được bao quanh bởi núi dá vôi hơn bất kỳ vùng đất nào trên toàn thế giới, Cát Bà còn là một trong số ít những nơi trên thế giới mà chúng ta có thể quan sát được toàn bộ quá trình địa chất chuyển tiếp từ môi trường địa hình núi đá vôi karst trưởng thành trên đất liền sang môi trường này trên biển.

Những điểm đặc biệt đó về đảo Cát Bà đã thu hút nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và bảo tồn từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, vẻ đẹp tự nhiên đặc biệt cũng hấp dẫn số lượng lớn khách du lịch, cả trong nước và quốc tế, và cả những dự án phát triển phục vụ ngành công nghiệp không khói này. Sự tăng trưởng của ngành du lịch, xây dựng và các dự án phát triển trên đảo đã mang lại những nguồn lợi kinh tế cần thiết, song cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn trong việc bảo vệ và bảo tồn chính những giá trị cốt lõi khiến đảo Cát Bà trở nên nổi tiếng như vậy.

Có lẽ trường hợp bảo tồn Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus), một loài khỉ đuôi dài vô cùng linh hoạt và là loài đặc hữu ở Cát Bà, là ví dụ mà chúng ta thấy rõ hai thái cực này nhất. Loài động vật đáng yêu này là loài linh trưởng nguy cấp thứ hai trên thế giới và là loài nguy cấp nhất ở Việt Nam. Chúng có liên hệ gần gũi với loài Voọc Đầu trắng ở miền Nam Trung Quốc, tuy nhiên vẫn là một loài khác biệt và chỉ tồn tại ở một vài nơi trên đảo Cát Bà.
Trong những năm 1960, quần thể Voọc Cát Bà trên Đảo Cát Bà là khoảng từ 2500 đến 2700 cá thể. Những người dân địa phương cho biết khi đó họ có thể dễ dàng bắt gặp Voọc ở bất kỳ nơi nào trên đảo. Chúng thậm chí còn xuống đến tận vườn nhà hoặc vườn cây ăn trái để ăn trộm hoa quả. Khi đó, chúng đã bị săn bắt, song không nhiều vì thịt của chúng có mùi không dễ chịu. Những năm 1990 là thời gian mà Voọc Cát Bà bị săn bắt nhiều để nấu cao khi Cát Bà bắt đầu trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Quần thể Voọc Cát Bà suy giảm một cách thảm họa trong thời kỳ này. Năm 1999, quần thể Voọc Cát Bà rớt xuống chỉ còn hơn 100 cá thể.

Sự suy giảm nghiêm trọng này đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo. Bởi vậy, UBND TP. Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vườn Quốc gia Cát Bà và hai tổ chức từ CHLB Đức là ZGAP và Vườn thú Allwetter ở thành phố Munster đã thiết lập quan hệ đối tác để cùng nhau ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng cho loài Voọc Cát Bà. Cuối năm 2000, chỉ còn khoảng từ 40 đến 53 cá thể Voọc Cát Bà khi Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà được thành lập.

Năm 2003, chỉ có 40 cá thể voọc Cát Bà, song với sự ủng hộ của UBND TP. Hải Phòng, Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà đã phối hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia Cát Bà và người dân địa phương để ngăn chặn thành công nạn săn bắt voọc Cát Bà, đánh dấu thời điểm quần thể Voọc bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Mỗi bước đi của chương trình bảo tồn Voọc Cát Bà đều đánh dấu những nỗ lực không mệt mỏi, song với sự đồng lòng của các bên tham gia, nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được. Năm 2004, Khu Dự trữ Sinh quyển quần đảo Cát Bà đã được thành lập, năm 2006, ranh giới Vườn Quốc gia Cát Bà đã được mở rộng và các khu vực bảo vệ đặc biệt đã được thiết lập để dành riêng cho công tác bảo tồn Voọc Cát Bà. Năm 2012, cuộc di dời Voọc đầu tiên ngoài hoang dã đã thành công. Năm 2017, Kế hoạch Hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đã được Chính phủ thông qua.

Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà đã luôn nỗ lực để không chỉ bảo tồn loài Voọc Cát Bà mà còn toàn bộ đa dạng sinh học trên đảo. Dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho Vườn Quốc gia Cát Bà nhiều trang thiết bị, tổ chức các lớp tập huấn và cung cấp một phần tài chính cho các công việc của kiểm lâm, tổ chức các nhóm ngăn chặn nạn săn bắt và lấy trộm động thực vật hoang dã, duy trì chương trình giáo dục môi trường ở các trường trung học cơ sở trên đảo Cát Bà. Nhân viên Dự án thường xuyên và tích cực nghiên cứu, làm việc trên thực địa, theo dõi và giám sát quần thể Voọc.

Công tác bảo tồn Voọc Cát Bà là chỉ số cho công tác này ở Việt Nam bởi nhiều lý do. Đó là một loài linh trưởng, một thành viên trong nhóm động vật gần gũi nhất với con người, là loài linh trưởng hiếm nhất của Việt Nam, và cũng giống như loài Tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam trước đây, nó là chỉ số cho thấy hiện trạng công tác bảo tồn và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Để loài Voọc Cát Bà còn có tương lai, chúng cần phải được bảo vệ thích đáng và có một môi trường sống tốt trong hiện tại và tương lai.

Ở quần đảo Cát Bà, chúng ta có cơ hội để chứng minh với cộng đồng trong nước và quốc tế chúng ta thực sự hiểu điều gì khiến Việt Nam là một nơi đặc biệt và chúng ta đang thực hiện những cam kết rõ ràng đối với tương lai của đất nước và chúng ta có thể trở thành một mẫu hình đang nỗ lực làm việc vì tương lai lâu dài và bền vững bằng cách cân bằng giữa những nhu cầu về phát triển kinh tế và nhu cầu phải bảo vệ môi trường.

Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà cam kết thực hiện mục tiêu này và chúng tôi hiểu rằng đây cũng là mục tiêu chung của cả cộng đồng và các cấp chính quyền.

Voọc chà vá chân nâu, hình ảnh nhận diện APEC 2017 của Đà Nẵng

Loài Voọc chà vá chân nâu, 'Nữ hoàng linh trưởng' theo cách gọi của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) được Đà Nẵng chọn làm biểu tượng nhận diện cho APEC 2017

Du khách trong nước, quốc tế đến tham quan Đà Nẵng thưởng ngoạn môi trường sinh thái đa dạng sinh học, đặc biệt thích thú ngắm loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà nhìn từ phía bãi biển Mỹ Khê (TP Đà Nẵng) là nơi cư trú chủ yếu của loài Voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Chính quyền Đà Nẵng đã chọn loài linh trưởng này tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện của địa phương trong sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Voọc mẹ ôm con chuyền cành trên bán đảo Sơn Trà. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài này đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, đứng thứ hai trong danh mục đỏ của IUCN về các loài động vật hoang dã bị đe dọa. Hàng ngày, vào sáng sớm hoặc chiều tối, Voọc đi kiếm ăn ven bìa rừng. 

Voọc đu mình trên cành cây đùa giỡn giữa rừng. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ví von loài động vật đặc hữu là 'Nữ hoàng' trong các loài linh trưởng. Sau nhiều năm điền dã, nghiên cứu, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng bán đảo Sơn Trà giống hòn ngọc của Biển Đông, "lá phổi xanh" điều hòa không khí trong lành cho TP Đà Nẵng và các vùng lân cận. 


Khu vực bán đảo Sơn Trà cũng là nơi cung cấp nguồn nước ngọt, lâu dài và bền vững cho khu vực này. Khu vực này chứa rất nhiều hệ sinh thái khép kín từ trên đỉnh núi cho đến ven biển. 

Một biển báo "Động vật hoang dã qua đường" cảnh báo du khách hạn chế chạy các phương tiện cơ giới gây tổn hại đến cá thể Voọc. Một đàn voọc là tập hợp của vài gia đình nhỏ sống với nhau rất tình cảm nhưng cũng rất kỷ luật, có thứ bậc rõ ràng. Tất cả các cá thể trong đàn luôn tuân thủ hiệu lệnh của con đầu đàn...